Cửa Hàng Quang Thuận
0 VND
Người công nhân cần mẫn với công việc làm đẹp phố phường
Vào làm việc ở Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận từ năm 2002. Tính đến nay, anh Lê Văn Não đã gắn bó với nghề làm sạch, đẹp phố phường hơn 10 năm. Hơn 10 năm làm công việc chỉ biết đến cái chổi, cái xẻng, thùng rác, xe rác... nhưng chưa bao giờ anh thấy nản lòng, dẫu ít có thời gian nghỉ ngơi. Anh bảo, không có nghề nào sang, không có nghề nào hèn, chỉ cần đó là công việc lao động chân chính thì nghề gì cũng đáng quý. Bởi thế anh luôn tự hào về nghề mình đang làm - nghề làm đẹp cho thành phố.
Được phân công phụ trách những tuyến đường chính trong quận, anh hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao, luôn luôn giữ sạch đẹp, không có rác tồn đọng. Thới An là phường trung tâm, tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, cửa hàng kinh doanh buôn bán, lưu lượng người tập trung lúc nào cũng đông đúc. Chính vì vậy, lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày là rất lớn. Với vai trò của một tổ trưởng tổ vệ sinh, anh đã đôn đốc anh chị em thực hiện duy trì vệ sinh môi trường theo định kỳ, đúng quy trình công nghệ và các quy định của công ty, đảm bảo khối lượng, chất lượng và hiệu quả công việc được giao. Tổ của anh chia làm nhiều nhóm nhỏ, làm việc ba ca một ngày, từ 5 giờ sáng hôm trước cho đến 2 giờ sáng hôm sau. Vào những ngày thời tiết bình thường, ca làm việc chính của các anh chị thường bắt đầu từ 18 giờ tối, với việc thu gom, quét đường phố. Anh Não cho biết, thường thì anh em thu gom rác đến đâu thì kết hợp quét sạch hè và đường lúc đó. Tuy nhiên, ở những đường lớn, nhiều hộ kinh doanh mặt đường, các anh phải đợi đến 23, 24 giờ khuya, khi các hộ kinh doanh đóng cửa hàng, mới tổng vệ sinh, bảo đảm đường phố sạch tinh tươm. Trung bình mỗi ngày, tổ của anh thu gom khoảng trên 20 m3 rác. Những ngày lễ, Tết, khi mọi người được nghỉ ngơi, đi chơi, thì các anh chị lại làm việc vất vả hơn, có những hôm mưa bão, lá cây rụng nhiều, 2 giờ sáng mới làm xong việc của ngày hôm trước, các anh chỉ kịp ngả lưng một chút, đến 5 giờ, các anh chị lại có mặt trên đường để quét dọn.
Với cương vị là Tổ trưởng sản xuất, đối với đồng nghiệp anh luôn tìm mọi biện pháp cùng anh em trong tổ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn anh em thực hiện quy trình công nghệ duy trì vệ sinh môi trường một cách nghiêm túc để công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao sạch đẹp.Thường xuyên nhắc nhở anh em trong tổ đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn lao động. Trong các đợt phục vụ dịp lễ tết, các ngày hội lớn của đất nước, cùng với việc huy động công nhân làm thêm ca, thêm giờ khi có yêu cầu đột xuất của đơn vị, bản thân anh luôn sẵn sàng làm tăng ca, thêm giờ, không quản ngại mưa nắng, ngày đêm miệt mài với công việc thu gom rác để giữ gìn môi trường luôn sạch đẹp, bản thân anh luôn tìm hiểu mọi chế độ đối với cán bộ công nhân viên để kịp thời giải đáp thắc mắc của anh, chị em. Luôn đi sâu tìm hiểu nhằm nắm bắt mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân viên cấp dưới, kịp thời báo cáo lãnh đạo giải quyết những bức xúc, thắc mắc của nhân viên. Bằng sự tận tụy với công việc, tổ công tác của anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bản thân anh nhiều năm liên tiếp được công ty công nhận danh hiệu công nhân giỏi, lao động tiên tiên và chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. Đặc biệt, trong công tác thu phí vệ sinh, anh luôn thu đúng, thu đủ và thực hiện tốt các hợp đồng dịch vụ vệ sinh môi trường và các hợp đồng dịch vụ khác theo quy định. Không những thế, anh Não còn quản lý rất tốt cơ sở vật chất và các trang thiết bị được giao. Đây là điều mà không phải ai cũng làm được.
Làm việc trong một môi trường khá độc hại, nhiều rủi ro, nhất là vào những dịp cao điểm như lễ, tết, sau các đợt mưa bão thì hầu như anh và đồng nghiệp không có thời gian ở nhà, tất cả phải tăng ca làm việc để giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ và trả lại môi trường xanh, sạch trong thời gian ngắn nhất cho đường phố. Anh Não tâm sự “Những người làm nghề vệ sinh môi trường có những thiệt thòi hơn những ngành nghề khác do đặc thù công việc. Hơn 10 năm gắn bó với nghề công nhân môi trường, tôi cũng như tất cả anh chị em trong tổ, trong công ty thường không được ăn bữa cơm tất niên vào chiều 30 Tết với gia đình”.
Thu Ngọc(BT)
165