Cửa Hàng Điện Nước Tuyên Nhung
0 VND
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII
Cập nhật: Thứ hai, 9/6/2014 | 9:17:13 AM
YBĐT - Vừa qua, NHNN đã tổ chức sơ kết toàn ngành 3 năm thực hiện Nghị định 41, đánh giá những kết quả đạt được và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và định hướng chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. Hiện NHNN đang khẩn trương tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 cho phù hợp với tình hình mới.
Cử tri huyện Mù Cang Chải nêu kiến nghị tại cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái. Ảnh: Quỳnh Nga
1. Yên Bái là một tỉnh miền núi, tiềm năng nguồn vốn huy động tại địa phương còn hạn chế, trong đó nhu cầu vốn vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội lớn. Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), ngân hàng hợp tác xã (NHHTX) ưu tiên tăng nguồn vốn điều hòa của hệ thống, nhất là nguồn vốn cho vay trung, dài hạn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
NHNN trả lời tại Văn bản số 604/NHNN-VP, ngày 25 tháng 1 năm 2014:
Nông nghiệp, nông thôn và các đối tượng chính sách xã hội (hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác) là lĩnh vực luôn được Đảng, Chính phủ và ngành ngân hàng quan tâm, tập trung đầu tư phát triển.
Hiện nay, chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn đang được thực hiện theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ (Nghị định 41). Sau hơn 3 năm triển khai, Nghị định 41 đã giúp các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực này tiếp cận được nhiều hơn, hiệu quả hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng lên đáng kể, góp phần quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định và đạt được những kết quả to lớn, đặc biệt đối với các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, cà phê...
Mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn song dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn luôn được đảm bảo và có mức tăng cao (đến 31/12/2013, dư nợ cho vay đạt khoảng 671,986 tỷ đồng, tăng 19,67% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung 12,5% của nền kinh tế. Riêng tỉnh Yên Bái, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 5.265 tỷ đồng, tăng 17,13% so với cuối năm 2012, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung 11,06% của tỉnh).
Vừa qua, NHNN đã tổ chức sơ kết toàn ngành 3 năm thực hiện Nghị định 41, đánh giá những kết quả đạt được và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và định hướng chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. Hiện NHNN đang khẩn trương tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 cho phù hợp với tình hình mới.
Đối với các đối tượng chính sách, hiện nay, NHCSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ và theo các quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ. Đến 31/12/2013, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là 121.699 tỷ đồng với 8,6 triệu khách hàng còn dư nợ, trong đó: dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo là 41.650 tỷ đồng, chiếm 34,22% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách với hơn 2,8 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo là 7.110 tỷ đồng, chiếm 5,84% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách với gần 388 nghìn khách hàng còn dư nợ. Riêng tỉnh Yên Bái, dư nợ chương trình dự án tín dụng ưu đãi lãi suất của NHCSXH tăng 10,57% (tăng 148 tỷ đồng).
Để tập trung nguồn vốn huy động cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên cả nước, trong đó có tỉnh Yên Bái, thời gian qua, NHNN đã: (i) yêu cầu các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì 2% số tiền gửi tại NHCSXH; (ii) thực hiện hỗ trợ ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên) thông qua hình thức tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng nhằm tăng cường nguồn vốn cho vay và có điều kiện hạ lãi suất huy động đầu vào, từ đó hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Bên cạnh đó, các bộ, ngành có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc huy động các nguồn lực tài chính cho NHCSXH để phục vụ các chương trình cho vay ưu đãi được tốt hơn, như: cho phép NHCSXH phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, huy động vốn từ các tổ chức quốc tế... Nhờ đó, tính đến 31/12/2013, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH đạt 129.210 tỷ đồng, tăng 6.950 tỷ đồng so với cuối năm 2012 (tương đương 5,7%). Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NHHTX luôn duy trì tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn ở mức gần 70%; các ngân hàng thương mại khác cũng đang quan tâm và tích cực đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này.
Riêng tại tỉnh Yên Bái, để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trong điều kiện nguồn vốn huy động tại địa phương còn hạn chế, các ngân hàng thương mại, NHHTX và NHCSXH đã ưu tiên điều hòa nguồn vốn của hệ thống ngân hàng mình cho chi nhánh tại tỉnh Yên Bái. Trong năm 2013, nguồn vốn điều chuyển của hội sở các ngân hàng thương mại, NHHTX và NHCSXH cho các chi nhánh tăng 0,9% so với cuối năm 2012, trong đó:
- Nguồn vốn điều hòa của Hội sở NHCSXH cho NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đạt 129 tỷ đồng, tương đương 87,2% dư nợ tín dụng tăng trưởng trong năm 2013 (trong khi nguồn vốn huy động trên địa bàn của NHCSXH chỉ tăng 15 tỷ đồng so với cuối năm 2012).
- Số lượng quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh là lớn nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc với 17 QTDND hoạt động, tổng dư nợ cho vay thành viên là 462 tỷ đồng, tăng 23,52% so với cuối năm 2012. Mặc dù chưa có Chi nhánh tại tỉnh Yên Bái nhưng trong những năm qua, thông qua Chi nhánh NHHTX Phú Thọ, NHHTX đã tích cực điều hòa nguồn vốn trong hệ thống để hỗ trợ tích cực cho các QTDND trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đến 31/12/2013, nguồn vốn hỗ trợ của NHHTX Phú Thọ cho các QTDND tỉnh Yên Bái tăng 36,95% (tăng 17 tỷ đồng) so với cuối năm 2012.
Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực của các ngân hàng thương mại, NHHTX, NHCSXH nói chung và chi nhánh của các ngân hàng này trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cân đối, đảm bảo đủ nguồn vốn cho NHCSXH cũng như tiếp tục chỉ đạo NHHTX và các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn, thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với nông nghiệp, nông thôn và các đối tượng chính sách xã hội.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên. (Ảnh: H.D)
2. Đề nghị bổ sung, mở rộng đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để các hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn phường, thị trấn thuộc nội thành, nội thị được hưởng chính sách. Vì đối với những khu vực này vẫn là khu nông thôn và các hộ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
Nâng mức tổ tín dụng được xem xét cho vay không có đảm bảo bằng tài sản quy định tại Khoản 2, Điều 8, Nghị định 41/2010/NĐ-CP như sau: (i) Tối đa từ 50 triệu đồng lên tối đa 100 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; (ii) Tối đa từ 200 triệu đồng lên tối đa 500 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; (iii) Tối đa từ 500 triệu đồng lên tối đa 1 tỷ đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại.
NHNN trả lời tại Văn bản số 608/NHNN-VP, ngày 25 tháng 1 năm 2014:
Chính sách tín dụng về vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP đã giúp các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Kết quả này đã góp phần quan trọng giúp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định và đạt được những kết quả to lớn trong 3 năm qua, đặc biệt đối với các sản phẩm có lợi thế như lúa gạo, thủy sản, cà phê... tạo khí thế phấn khởi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong cả nước. Tính đến 31/12/2013, dư nợ vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 671.986 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tăng 19,77% so với 31/12/2012 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung 12,51% của nền kinh tế cùng thời điểm).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 41/2010/NĐ-CP cũng bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và cần được bổ sung, sửa đổi. Trong đó có vấn đề bổ sung đối tượng cho vay và nâng mức cho vay không có đảm bảo bằng tài sản như cử tri kiến nghị. Hiện nay, NHNN đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và các bộ, ngành tiến hành sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP để đánh giá toàn diện những khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ xem xét, quyết định.
NHNN xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ trình Chính phủ xem xét quyết định sau khi hoàn thành sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP.
3. Đề nghị bỏ quy định "phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" tại Khoản 5, Điều 8, Nghị định 41/2010/NĐ-CP mà chỉ cần xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã. Vì nếu ngân hàng giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ gia đình muốn vay thêm vốn để sản xuất, kinh doanh (trên mức vay không có bảo đảm bằng tài sản) thì sẽ không có tài sản để thế chấp.
NHNN trả lời tại Văn bản số 608/NHNN-VP, ngày 25 tháng 1 năm 2014:
Việc hộ gia đình phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tín dụng trong trường hợp vay không có tài sản bảo đảm yêu cầu là cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của hộ gia đình trong việc trả nợ ngân hàng đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh do hộ gia đình lợi dụng chính sách của Nghị định 41/2010/NĐ-CP để vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng. Đây không phải là hình thức thế chấp tài sản vì hộ gia đình không phải thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Nếu bỏ nội dung này thì các tổ chức tín dụng sẽ phải thận trọng hơn khi xét duyệt cho vay và có thể làm cho dư nợ trong lĩnh vực giảm đi.
Trong trường hợp hộ gia đình muốn vay số tiền lớn hơn mức vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP thì phải thực hiện thế chấp cho khoản vay đó theo quy định. Mức cho vay do các tổ chức tín dụng quyết định căn cứ vào quá trình thẩm định, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giá trị tài sản thế chấp cho khoản vay và khả năng trả nợ của khách hàng.
175