Cửa Hàng Điện-Nước Tăng Tùng
0 VND
Dọc đường ghé lại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, dấu ấn một thời
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm bước ra từ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” theo ước muốn của bác sĩ lúc sinh thời. Nằm ngay bên quốc lộ 1A, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 50km về hướng Nam. Khu bệnh xá nằm ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ là khu khám bệnh có mô hình đặc biệt trong hệ thống khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc, ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, bệnh xá còn là địa chỉ thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được khởi công xây dựng ngày 24/3/2006 trên diện tích 3.900 m2 tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Do bạn đọc Báo Tuổi trẻ cùng nhiều nhà tài trợ như: DNTN Liên Sơn, Công ty Văn hóa truyền thông Võ Thị, cá nhân, đơn vị, bạn đọc Báo TS,…đã đóng góp và ủng hộ kinh phí xây dựng với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng gồm: tiền mặt, vật liệu xây dựng, dụng cụ thiết bị y tế,... Bệnh xá được khánh thành vào ngày 20/12/2006.
- Anh hùng Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi-một bệnh xá dân sự nhỏ chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh trong chiến tranh.
- Tháng 6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề.
- Tháng 2/2006, Chủ tịch Nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nói về kiến trúc, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm mang hơi hướng kiểu nhà Rông Tây Nguyên, dễ làm khách tham quan cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện. Những hàng cọ dọc lối đi và trước hiên nhà khiến khu bệnh xá càng giống khu nghỉ dưỡng có sân vườn. Nổi bật trong khuôn viên chính là tượng đài Anh hùng-Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tay cầm nón che đầu, chân sải bước, như đang tất tả vượt rừng trong những lần làm nhiệm vụ. Ngoài khu chữa bệnh, bệnh xá có riêng một khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh liên quan đến Anh hùng-Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và Khu 5 nói chung.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, là người tình nguyện thiết kế miễn phí công trình bệnh xá-một sự đóng góp của ông. Ông xây dựng ý tưởng thiết kế một bệnh xá với kiến trúc mang đậm không gian Việt, bố cục và phân khu rõ ràng, tạo một khu xanh mát, kiến trúc nhẹ nhàng với ba chức năng hài hòa bao gồm các phòng khám đa khoa và các phòng chức năng như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, siêu âm và khu lưu trú cho các bệnh nhân nhẹ nằm chữa trị hoặc chờ chuyển lên bệnh viện tuyến trên với 15-20 giường lưu bệnh. Tuy nhiên, bệnh xá Đặng Thùy Trâm không chỉ có mục đích duy nhất là cơ sở y tế khám chữa bệnh mà còn là một địa chỉ văn hóa ghi lại dấu ấn lịch sử một thời của người nữ bác sĩ anh hùng.
Toàn bộ bệnh xá có hình dáng như một bàn tay, ẩn dụ ý nghĩa “bàn tay người thầy thuốc che chở bệnh nhân của mình trong lửa đạn”. Có rừng tre là phông, hàng cau bao quanh và một hồ sen tạo cảnh. Ngoài các phòng khám, phòng chức năng của bệnh xá có một phòng truyền thống.
Tại phòng truyền thống, trưng bày những hiện vật về bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, bức tượng chân dung của chị, những hình ảnh, kỷ vật của chị cùng những đồng đội đã chiến đấu, hi sinh hoặc đang sinh sống trên mảnh đất này... Khu công viên thư giãn dành cho khách du lịch nghỉ ngơi là những lùm cây xanh bóng mát và là địa điểm sinh hoạt truyền thống, kết nạp đoàn viên, đảng viên.
Bệnh xá có một phần là dành phục vụ chức năng du lịch. Đây tuy là chức năng phụ nhưng sẽ phát triển thành chức năng quan trọng bên cạnh việc khám chữa bệnh cho người dân. Trong khu du lịch có bày bán các sản phẩm lưu niệm. Phần kinh phí thu được dành để sửa chữa, trùng tu bệnh xá để không bị xuống cấp trong quá trình sử dụng.
Tuy chỉ là trạm y tế cơ sở nhưng tỷ lệ sử dụng giường của bệnh xá Đặng Thùy Trâm luôn hết công suất. Điều này không chỉ góp phần giảm bớt áp lực quá tải cho y tế tuyến trên mà còn giảm đáng kể chi phí cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo.
Nằm ở vùng đất một thời máu lửa trung dũng, kiên cường, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện qua khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh liên quan đến bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ, Quảng Ngãi và Khu 5. Hy vọng truyền thống quý báu của dân tộc ta sẽ được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và tồn tại mãi mãi về sau.
Hình ảnh về khu bệnh xá gắn liền với cuốn Nhật ký nổi tiếng của nữ liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm:
Tượng đài bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trong khu vườn của bệnh xá
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.
Phòng trưng bày hình ảnh liên quan đến Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm
và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và Khu 5.
Dụng cụ y tế của các trạm xá đã được sử dụng trên chiến trường Khu 5,
trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Tấm vải dù bọc võng là một trong những kỷ vật hiếm hoi
của Anh hùng Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
141