Cửa Hàng Điện Nước Nghĩa Khang
0 VND
Doanh nghiệp Vĩnh Phúc vượt khó đẩy mạnh xuất khẩu
10/06/2014
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới công nghệ, phương thức quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm để tồn tại và khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Tăng trưởng tích cực
Chúng tôi đến Công ty cổ phần giày Lập Thạch vào một ngày đầu tháng 6. Dù tiết trời khá oi bức nhưng 450 công nhân của Công ty luôn sẵn sàng tăng ca để kịp nguồn hàng giao cho đối tác Nhật Bản mà doanh nghiệp ký được hợp đồng đầu năm 2014.
Tháng 12/2008, Công ty cổ phần giày Lập Thạch được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tháng 6/2009, Công ty buộc phải cho 2/3 số công nhân nghỉ việc vì không có đơn đặt hàng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trước thực tế này, Công ty đã cơ cấu lại bộ máy tổ chức, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ sang các nước châu Âu, Hoa Kỳ.
Công nhân công ty cổ phần giày Lập Thạch gấp rút hoàn thành lô hàng xuất sang Nhật Bản
Năm 2010, kinh tế thế giới dần hồi phục, Công ty khởi động lại nhà máy, 100% công nhân quay trở lại làm việc để kịp hoàn thành 50.000 đôi giày/tháng giao cho các đối tác EU, Mỹ. Ông Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty cổ phần giày Lập Thạch cho biết, từ năm 2012 đến nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt và được người dân các nước châu Âu, châu Úc và châu Á yêu thích. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng vì có ít rủi ro hơn EU và nước này hầu như không sản xuất da giày nên nguy cơ áp thuế chống bán phá giá để bảo hộ sản xuất trong nước như EU đã và đang làm là rất thấp.
Theo ông Khải, điều đáng mừng nhất là từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp không những giữ vững thị trường truyền thống mà còn ký được hợp đồng xuất khẩu dài hạn đến năm 2016 với các đối tác tiềm năng như Úc, Đức, Bỉ và Nhật Bản, với sản lượng 120.000 đôi/tháng. Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản là 40.000 đôi/tháng. “Đến năm 2017, giày Lập Thạch không lo thiếu việc làm cho người lao động vì trên thực tế, chúng tôi đã tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng bằng chất lượng sản phẩm và đã ký được nhiều hợp đồng dài hạn với các đối tác, với doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm”- ông Khải khẳng định.
Từ đầu năm đến nay, 1.400 công nhân Công ty cổ phần giày da Vĩnh Yên cũng phải tăng ca để sớm hoàn thành việc gia công 1 triệu đôi giầy/năm giao cho các đối tác. Theo ông Lê Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, từ năm 2012 đến nay, Công ty đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do các nước EU áp dụng chính sách thuế mậu dịch và kiểm soát chất lượng khắt khe. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính doanh nghiệp và sự trợ lực kịp thời từ phía Chính phủ, UBND tỉnh, năm 2013, Công ty đã vượt khó, đạt tổng doanh thu 95 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Đặc biệt, tháng 1/2014, Công ty đã ký được hợp đồng gia công giày thể thao dài hạn đến năm 2020 với đối tác Đài Loan và Nhật Bản.
Cũng theo ông Thủy, mục tiêu xuất khẩu khoảng 1,5 triệu đôi giày, với doanh thu từ 130-150 tỷ đồng vào năm 2016 của Công ty có khả năng thành hiện thực vì hiện nay đơn đặt hàng của các các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc tăng khoảng 20% so với năm 2013.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất chất bán dẫn, các linh kiện điện tử và thiết bị công nghệ thông tin, 4 năm qua, Công ty TNHH JahWa Vina, khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đã không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Công ty có 2 phân xưởng sản xuất và xuất khẩu khoảng 300 tấn linh kiện điện tử, 150 tấn linh kiện công nghệ thông tin sang thị trường các nước Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc, với doanh thu 40 triệu USD/năm. Công ty đang tạo việc làm, thu nhập ổn định 2.500 lao động, với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Theo thống kê của Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 181 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Trong đó, có 103 doanh nghiệp FDI với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: cơ khí, điện tử, chè, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, nông sản...Bằng việc chủ động tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng mới, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp nên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 631triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: linh kiện điện tử tăng 57%, chè tăng 25%, xe máy, linh kiện và phụ tùng xe máy tăng 52%.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, cùng với ban hành nhiều cơ chế, chính sách, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp tham gia nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh tiến hành miễn, giảm tiền thuế thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ và kích thích tiêu dùng nội địa, thực hiện chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải quyết vấn đề về vốn, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Năm 2014, tỉnh đã tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi, tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực có lợi thế và có khả năng cạnh tranh.
Thanh Nga
142