Cửa Hàng Điện Nước Hùng An
0 VND
Được mùa lúa xuân
(Baonghean) - Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 10 nghìn ha lúa vụ xuân. Dưới cái nắng gay gắt, nông dân ở khắp các địa phương đang tập trung ra đồng, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ xuân để kịp thời gieo cấy lúa hè thu. Qua đánh giá thực tế trên đồng ruộng, đây là vụ xuân có năng suất cao và được mùa đều nhất từ trước đến nay.
Nông dân xã Long Thành (Yên Thành) thu hoạch lúa xuân.
Nông dân xã Long Thành (Yên Thành) thu hoạch lúa xuân.
Là một trong những địa phương thu hoạch vụ lúa xuân sớm nhất, từ ngày 10/5, trên nhiều cánh đồng ở Yên Thành, không khí thu hoạch lúa xuân đã bắt đầu nhộn nhịp. Dưới nắng chiều gay gắt, mồ hôi chảy tràn trên gương mặt lấp lánh niềm vui ánh lên trong đôi mắt bà Nguyễn Thị Hồng (xóm Đông Ngà - xã Long Thành). Bắt đầu ra đồng gặt từ 14/5, dự kiến chỉ trong khoảng 5 ngày hơn một mẫu ruộng của gia đình bà sẽ được thu hoạch gọn và cho năng suất tới gần 78 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. “Năm nay gia đình tôi cấy hơn 8 sào lúa Khang dân 18, còn lại là các giống lúa thuần SL9, KB2. Chúng tôi cũng đã làm đất bắc mạ, cố gắng gieo cấy xong lúa hè thu trước ngày 10/6, không để muộn hơn vì Long Thành vốn là vùng trũng, thường xuyên bị mưa lụt, buộc phải gặt xong trong tháng 8 dương lịch mới có thể đảm bảo an toàn”.
Là xã vùng trũng của huyện Yên Thành, nên Long Thành rất chú trọng đến vấn đề thời vụ nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất hè thu, những diện tích lúa lai đều được cấy từ trước tết và đến thời điểm này toàn xã đã gặt được gần 40% trong diện tích 577 ha lúa vụ xuân. Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Khoảng 25/5 chúng tôi sẽ gặt xong, mạ cũng đã được gieo, phấn đấu gieo cấy xong lúa hè thu trước ngày 5 - 10/6. Vụ xuân năm nay lúa được mùa, qua đánh giá năng suất thực tế dự ước đạt 7,8 tấn/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái 3 tạ/ha”.
Thu hoạch lúa xuân ở Yên Thành.
Thu hoạch lúa xuân ở Yên Thành.
Vụ xuân năm nay, Yên Thành gieo cấy 12.800 ha lúa, để có thể đảm bảo chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực, huyện vẫn cơ cấu một diện tích lớn lúa lai, đồng thời mở rộng diện tích các giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao như TBR 225, GS333, phù hợp vào từng vùng, từng chân đất cụ thể. Bắt đầu thu hoạch từ ngày 12/5, toàn huyện đã gặt được gần 60% diện tích. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện - ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Đây là vụ xuân có năng suất cao nhất từ trước đến nay, bình quân toàn huyện dự ước đạt trên 72 tạ/ha. Có được kết quả đó là do nhiều nguyên nhân. Sản xuất năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm làm thời gian sinh trưởng của lúa bị kéo dài thêm 10 - 15 ngày, gây khó khăn cho sản xuất nhưng đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để cây lúa tích lũy đầy đủ chất, hạt lúa mẩy chắc, cho năng suất cao hơn.
Trong điều kiện rét đậm, rét hại, một số đối tượng sâu bệnh đã phát sinh gây hại nhưng nhờ làm tốt công tác dự tính dự báo, phòng trừ nên tác hại hầu như không đáng kể. Nông dân thực hiện chăm bón đầy đủ, đúng quy trình, phù hợp với từng điều kiện thời tiết cụ thể, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cây lúa phát triển tốt. Dự kiến, Yên Thành sẽ kết thúc thu hoạch trước ngày 25/5 và gieo cấy hè thu trước ngày 5/6. Hiện các xã đều đã ra mạ xong, và xác định sản xuất hè thu sẽ diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt ở gần 4.000 ha vùng sâu chạy lụt, nên huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ xuân, trên địa bàn hiện có gần 30 máy gặt đập liên hợp, thu hoạch lúa xuân nhanh gọn, gặt đến đâu làm đất gieo cấy lúa hè thu đến đó.
Tại Đô Lương, thu hoạch lúa vụ xuân cũng đang vào giai đoạn rộ. Bà Đào Thị Sơn ở xóm 1, xã Nhân Sơn hồ hởi khoe: Gia đình tôi có 4 sào lúa, cấy các giống Kinh Sở ưu 1588, AC5, đều được cấy từ trước tết vì ở đây là vùng chạy lụt vụ hè thu. Bắt đầu gặt từ 16/5, hiện 4 sào lúa đã gặt xong. Theo thông báo của xã, ngày 20/5 xã bơm nước tập trung, chúng tôi sẽ làm đất cấy luôn”. Theo Phó phòng Nông nghiệp huyện - ông Lê Thế Nhung, thì 7.300 ha lúa xuân của Đô Lương trong vụ này phát triển trong điều kiện thời tiết không thực sự thuận lợi. Dịch bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên 100 ha, ăn tụt hết cả lá, nhiều nơi bà con phải cắt lá lúa đi, đầu tư chăm bón để cây lúa phát triển lại. Cũng như các địa phương khác, chính trời rét làm cây lúa sinh trưởng, phát triển chậm lại hơn một tuần so với bình thường, đã góp phần làm tăng năng suất. Bên cạnh đó, nguồn nước đầy đủ giúp cây lúa được no nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển, lúa chắc hạt, trĩu hơn. Năng suất bình quân dự kiến đạt khoảng 65 - 68 tạ/ha (vụ xuân năm 2013 là 62 tạ/ha).
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, vụ xuân năm nay là vụ sản xuất bội thu. Ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Tuy các địa phương chưa thu hoạch xong, nhưng qua đánh giá trên đồng ruộng, năng suất bình quân ước đạt trên 66 tạ/ha, hầu như không có địa phương nào bị sụt giảm năng suất. Bên cạnh diện tích lúa lai, vụ xuân năm nay diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao, năng suất khá cũng được mở rộng từ 12 nghìn ha (vụ xuân năm 2013) lên gần 20 nghìn ha. Rút kinh nghiệm từ vụ xuân năm ngoái, năm nay ngành Nông nghiệp đã có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Công thương trong vấn đề điều tiết nước ở các nhà máy thủy điện, tạo đủ nguồn nước cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Công tác BVTV cũng được chú trọng, dự tính dự báo kịp thời, nhờ vậy trong điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại, chúng ta vẫn hạn chế được đến mức thấp nhất tác hại của sâu bệnh.
Đến nay, các địa phương đã thu hoạch được trên 10 nghìn ha lúa vụ xuân, thời gian thu hoạch rộ từ ngày 25/5 đến đầu tháng 6. Hiện bà con nông dân cũng đã tiến hành ra mạ, thực hiện đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, thu hoạch vụ xuân đến đâu sẽ làm đất gieo cấy ngay lúa hè thu đến đó, phấn đấu cấy xong trước ngày 10- 15/6. Để có một vụ sản xuất hè thu thắng lợi, ngay từ bây giờ các địa phương và người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, phải thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng; không gieo thẳng lúa mà phải gieo mạ tập trung để cấy, tiện chăm sóc, theo dõi, quản lý rầy và bệnh.
Đầu tư thâm canh cân đối ngay từ thời kỳ mạ để cây mạ phát triển khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, sau gieo mạ phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện sự gây hại của rầy và triệu chứng bệnh trên đồng ruộng. Nên phun thuốc trừ rầy cho mạ trước khi đưa ra ruộng cấy 2 - 3 ngày nếu phát hiện có rầy lưng trắng gây hại với mật độ cao, tuyệt đối không sử dụng mạ tại ruộng mạ bị nhiễm bệnh để cấy. Đồng thời, tiến hành tu sửa bờ vùng, bờ thửa, nạo vét kênh mương, tận dụng lượng nước hồi quy, sử dụng nước tiết kiệm và đón mưa tiểu mãn bổ sung cho các hồ đập, không tháo cạn nước khi thu hoạch lúa xuân.
Phú Hương
175