Cửa Hàng Điện Nước Cường Phát
0 VND
ĐỜN CA TÀI TỬ – NÉT VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG.
Ngày 05/12/2013, tại Hội nghị Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan, Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và vào tối ngày 11/2/2014, tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể lễ đón bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một niềm tự hào lớn của người dân Nam Bộ khi đã giúp Việt Nam có thêm Di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 bên cạnh những giá trị khác đã được công nhận như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Giang - Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Di sản văn hóa thứ 8 này cũng là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của khu vực Nam Bộ được công nhận.
Ngay khi biết được thông tin này, các tầng lớp nhân dân đặc biệt là những người làm nghệ thuật đều cảm thấy một niềm vui khó tả; nhất là các nghệ nhân dân gian lâu nay đã cống hiến trọn niềm đam mê cho dòng nhạc dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Đờn ca tài tử Nam Bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19, bắt nguồn từ nhạc Lễ, Nhã nhạc cung đình Huế chuyên phục vụ cho tầng lớp vua chúa, quan lại, quý tộc kết hợp hài hòa với văn học dân gian trở thành loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của những cư dân khai phá vùng đất mới Nam bộ. Đờn ca tài tử là nghệ thuật thăng hoa, hòa quyện của đàn và ca, do những người nông dân, những nam thanh nữ tú nông thôn Nam Bộ tập hợp nhau ở đình, trên ghe, trên ruộng, trong chòi…cùng nhau ca hát sau những giờ lao động mệt nhọc, mang bản sắc nền văn minh lúa nước. Đờn ca tài tử đã xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân thay thế đàn bầu (còn gọi độc huyền cầm) bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia Đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau, những nông dân cùng nhóm cày, nhóm cấy, gặt lúa...Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã đời thường bên thành quả lao động như con tôm, con cá, sản vật nông nghiệp và chút hương cay của “giọt nước mắt quê hương” còn gọi là rượu đế hoặc ấm trà điếu thuốc.
Đối với hình thức âm nhạc đờn ca tài tử, vai trò của các tài tử đờn và tài tử ca đều bình đẳng, người đờn nương theo người ca và người ca luyến láy, nhấn nhá để nâng cao nghệ thuật đờn, tiết tấu thì khi nhanh khi chậm, âm thanh khi sôi động, khi trầm lặng…giọng thì du dương, thiết tha, đầm ấm. Giai điệu giàu chất trữ tình làm day dứt, da diết lòng người dân miền sông nước…từ đó đã đi vào lòng người dân Nam Bộ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được phát triển mạnh ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam là: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận và Tây Ninh. Trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có nhiều người hát Đờn ca tài tử nhất.
Riêng trên địa bàn huyện Hóc Môn, phong trào Đờn ca tài tử huyện đã phát triển mạnh từ hơn 15 năm nay, hiện có trên 40 câu lạc bộ, với 500 thành viên. Các câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử đang sinh hoạt thường xuyên định kỳ, trong đó có 9 câu lạc bộ sinh hoạt hàng tuần, 31 câu lạc bộ sinh hoạt hàng tháng. Có 2 nghệ nhân dân gian về đờn ca tài tử được công nhận, là anh Lê Khắc Tùng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện và anh Phạm Công Tỵ (Út Tỵ) nghệ nhân đàn cò.
Trong những năm qua nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng ủy và chính quyền địa phương các xã, thị trấn nên các Câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử luôn được duy trì và phát triển mạnh. Đặc biệt là Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa huyện, Ban văn hóa thông tin các xã, thị trấn luôn quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn theo sát hỗ trợ cho hoạt động của câu lạc bộ Đờn ca tài tử như: Tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng cho thành viên, tổ chức cho thành viên câu lạc bộ học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực biểu diễn và củng cố phát triển phong trào đờn ca tài tử trên quê hương “Mười tám thôn vườn trầu” Hóc Môn – Bà Điểm. Trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII thì hoạt động hiệu quả của đờn ca tài tử góp phần tích cực đối với công tác phát triển đời sống văn hóa nghệ thuật quần chúng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Điều có ý nghĩa lớn lao nhất các câu lạc bộ đờn ca tài tử đã tạo ra sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích loại hình văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phát hiện nhiều hạt nhân văn nghệ tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nông dân.
QUỐC THANH
216