Cửa Hàng Điện Nước 868
0 VND
Ba lần bị giặc cưa chân quẳng vào nhà xác
Người nữ anh hùng đó là bà Phạm Thị Mai (tức Tám Tiệm, SN 1946, ngụ ấp 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Bà sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng với 7 anh chị em, có 3 người anh đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong căn nhà tình nghĩa kiên cố sơn quét sạch sẽ, gọn gàng có tiếng hò hét vui nhộn của trẻ thơ. Nghe có người gọi tên, bà Tám Tiệm di chuyển bằng hai tay đi ra ngoài cửa mời khách vào nhà. Leo lên chiếc võng quen thuộc, bà sờ vào đôi chân thương tật, hồi ức:
Năm 14 tuổi, bà gia nhập đội liên lạc địa phương tham gia vận chuyển vũ khí, thuốc men vào ấp chiến lược, tiếp tế lương thực cho cách mạng. Là một người con gái nhưng tướng mạo khá giống con trai, lợi dụng đặc điểm đó bà hay đi giám thu thập thông tin ở cơ sở báo ra khu cho cán bộ.
Đầu năm 1967, bà được cử làm Hội trưởng hội phụ nữ xã Hàm Liêm, rồi chỉ huy đội du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Khi giặc điều quân từ Buôn Mê Thuột mở chiến dịch càn quét đòi “làm cỏ Việt Cộng” ở vùng “Tam giác sắt”, bà bị thương nặng, bị bắt về tra khảo.
Giặc cưa chân bà. Thấy vết thương lở loét, cô gái hấp hối, chúng quẳng vào nhà xác. Bà sống lại thần kỳ. Giặc đưa bà vào bệnh viện. Vết thương bị nhiễm trùng do ảnh hưởng quãng thời gian nằm chung với xác chết, giặc cắt chân bà thêm hai lần nữa rồi tống vào trại giam Lao Xá thuộc TP. Phan Thiết.
Cảm phục nữ chiến sĩ dáng dấp bé nhỏ nhưng ý chí khổng lồ, khí thế đấu tranh đòi tự do, cấm hành hạ ngược đãi tù nhân trong nhà tù càng dâng cao. Bà nhớ lại: “Ở tù gặp lại nhiều đồng đội, được rèn luyện thêm tư tưởng chính trị, cách mạng. Tháng 9/1969, nghe tin Bác Hồ mất, tôi phối hợp với một số chị em tù chính trị đứng ra chỉ huy mọi người đeo băng tang tưởng niệm vị lãnh tụ của dân tộc và xin thề chiến đấu đến ngày toàn thắng”.
Cuối năm 1970, giặc trả tự do cho bà. Người thương binh mất hai chân vẫn tiếp tục chỉ huy anh em cài mìn ở nhiều đoạn đường địch đi qua. Có những trận thắng giòn giã có công bà đóng góp, như trận tiêu diệt 30 tên giặc ở trường học xã Hàm Liêm, diệt 2 xe thiết giáp, cài mìn ở rạp hát Li Lát tại Phan Thiết nơi sĩ quan địch tụ tập.
Bà nhớ lại: “Đất nước hòa bình, tôi trở về cuộc sống đời thường, không hi vọng mình lấy được chồng. Bởi khi lập gia đình với bộ dạng như thế sẽ làm khổ cho người bạn đời. Tôi ở vậy với người mẹ già. Hằng ngày, tôi vẫn bì bõm lội ruộng đi cấy, cắt lúa như bao người. Thậm chí tôi còn nuôi heo 5 con heo để cải thiện kinh tế”.
Trong một lần mở đài theo dõi tin tức, bà nghe được câu chuyện về một phụ nữ nước ngoài cũng bị mất đi đôi chân vĩnh viễn nhưng vẫn mang bầu, sinh con một mình. Sau này, đứa con trưởng thành có nghề nghiệp ổn định đã chăm sóc, phụng dưỡng bà đến hết đời.
“Từ câu chuyện trên đài, tôi chợt nhận ra nếu ở vậy suốt đời thì buồn lắm. Tuổi già, bệnh tật ốm đau lấy ai chăm sóc. Vì vậy tôi đã có một quyết định táo bạo “không cần chồng, chỉ cần con”. Tôi đem chuyện khao khát đứa con kể cho một người bạn làm ở bệnh viện Phan Thiết nghe”, bà nói. Hiểu được nỗi lòng của Tám Tiệm, cô bạn đã xin giùm bà một đứa con nuôi.
Quyết định táo bạo của người mẹ vĩ đại
Ngày mang con về nhà, bà đặt tên cho con là Phạm Thị Xuân Lan. Với lòng yêu mến con trẻ và ước ao được làm mẹ, bà bỏ qua khiếm khuyết về thân thể hết lòng chăm con và lao vào công việc. Bà nhận 8 sào đất hợp tác xã để một mình trồng lúa. Bà vay tiền đầu tư chuồng trại nuôi heo, nuôi gà.
Bà nhớ về những ngày tháng ấy: “Thấy tôi nhận đất về làm, ai nấy đều bảo “tham công tiếc việc làm gì cho nhọc, chắc gì đã kham nổi một tháng. Đã thế còn đi rước con người ta về nuôi”. Nghe được những lời bàn tán của thiên hạ, tôi đau lắm nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ cho qua chuyện.
Bà Phạm Thị Mai (tức Tám Tiệm) nhận giấy khen trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Thuận năm 2000. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ngày nào tôi cũng mang con theo ra đồng quần quật với mọi công việc đồng áng từ sáng đến tối. Thế nên năng suất mùa vụ lúc nào cũng ngang ngửa với những người lành lặn chân tay. Về sau chẳng còn ai dám nói ngả nói nghiêng mẹ con tôi nữa”.
Bà vẫn chưa yên tâm khi có đứa con nuôi, cả nghĩ: “Lỡ mai mốt cha mẹ bé Lan đến đòi lại con, mình sẽ quay về cuộc sống cô đơn như trước kia?”. Trăn trở mãi về điều này, bà đã đưa ra quyết định táo bạo khác. Bà vượt qua mọi lời đàm tiếu.
Để nhận được sự đồng ý “cho” con từ một người đàn ông, bà không đòi hỏi “người ấy” phải lấy mình làm vợ. Bà cũng tự thề với bản thân rằng sẽ không bao giờ nói ra danh tính của người đàn ông; thề không đến quấy rối hay ghen tuông, hờn giận. Bà sinh con một mình. Lúc bé Lan tròn một tuổi, cô em gái Phạm Thị Ái Ly chào đời trong niềm vui khôn tả của người mẹ vĩ đại.
Bà chịu tất cả sự soi mói của người đời về quyết định táo bạo của mình. Bà thủ thỉ: “Hồi đó chưa như bây giờ đâu. Gái không chồng mà chửa thuộc dạng hư hỏng nên tôi hứng chịu rất nhiều lời cay đắng của miệng lưỡi thế gian. Có người còn cả gan vào tận nhà truy hỏi cha của đứa bé.
Để bêu xấu tôi, ở một số cuộc họp, bình bầu ở thôn, xã; một số người lôi chuyện của tôi ra bàn tán. Con tôi đến tuổi đi học bị chúng bạn cười chê là “con không có cha”. Hai đứa con chạy về mách mẹ, xấu hổ đòi bỏ học. Buộc lòng tôi phải nói dối “ngày con sinh ra, cha lâm bệnh nặng mà mất””.
Mãi đến năm 2000, một phần nhờ sự can thiệp của bạn bè, đồng chí năm xưa, người nữ thương binh Phạm Thị Mai mới được phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Cùng lúc đó, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã xây cho mẹ con bà căn nhà tình nghĩa.
Hai con của bà nay đều trưởng thành, có công ăn việc làm, đã yên bề gia thất. Sợ hai con thiếu thốn, bà vừa chia đất cho hai con rồi ở chung với vợ chồng con út. Hạnh phúc tuy đến muộn nhưng viên mãn, ngày ngày bà vui vầy cũng hai con và các cháu hiếu thảo.
Theo Báo Pháp luật
178