Cửa Hàng Điện Nguyễn Lạc
0 VND
ĐÌNH PHÚ NHUẬN - Số 18 đường Mai Văn Ngọc phường 10, quận Phú Nhuận (15/9/2011)
Đình Phú Nhuận được xây dựng khoảng năm 1818 ở xóm Kinh, sát kinh Nhiêu Lộc, đến năm 1852 được xây lại trên địa điểm hiện nay. Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (tức ngày 08 tháng 01 năm 1853), vua Tự Đức đã ban sắc phong cho Thần Thành Hoàng của đình.
Đình trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1930, 1966, 1989 và 1998, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo kiến trúc cổ của đình Nam bộ thế kỷ XIX.
Từ cổng đình bước vào, ta gặp miếu “Nhị Vị Công Tử” thờ hai người con trai của nữ thần Po Nagar của người Chăm ở bên phải; miếu thờ “Ngũ Hành Nương Nương” bên trái. Mặt tiền là bức bình phong đắp nổi hình Bạch Hổ. Phía sau bức bình phong là dấu vết bệ thờ Thần Nông.
Nhìn tổng thể, đình có hình L ngược, có hai trục: trục chính nằm ở phía bên phải (tính từ trong ra ngoài), nhà võ ca, võ quy, chính diện. Trục phụ gồm: sân đình, nhà thảo bạt, nhà túc, sân thiên tỉnh, nhà bếp và nhà kho. Mái đình thẳng lợp ngói âm dương, trên đỉnh có trang trí “ lưỡng long tranh châu” bằng gốm. Bên trong đình có bộ cột và vì kèo làm bằng gỗ, cấu trúc theo kiểu kẻ chuyền. Chính diện xây theo kiểu nhà tứ tượng, hình vuông (một gian hai chái) với cột gỗ, kèo gỗ, trạm hình đuôi rồng, được xây dựng năm 1920. Các bàn thờ được xếp thành ba dãy, dãy giữa gồm các bàn thờ Thần, hai bên là bàn thờ Tả Ban và Hữu Ban. Bàn thờ Thần bằng gỗ chạm hoa văn “lưỡng long triều nguyệt”, trên đặt sắc Thần do vua Tự Đức ban cho vị Thần Thành Hoàng của đình Phú Nhuận đựng trong chiếc hộp. Trên bàn thờ Thần ở chính điện có lư hương bằng gốm cổ, men xanh lam và một lư hương bằng đồng.
Chính điện có bốn cặp câu đối và ba bức hoành phi được chạm khắc tinh sảo. Đặc biệt có cặp câu đối cổ viết bằng chữ Hán “Hộ quốc tý dân” (dịch là: Giúp nước cứu dân) niên đại 1860, và “Hộ quốc bảo dân” (dịch là: Giúp nước bảo vệ dân) niên đại 1901. Ngoài ra, đình còn lưu giữ 33 hiện vật và sắc phong của vua Tự Đức nói trên.
Đình Phú Nhuận thờ Thần Thành Hoàng theo tục thờ Thần của người Việt.
Ngày lễ lớn nhất của đình Phú Nhuận là lễ Kỳ Yên, được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng Giêng. Lễ vật chính cúng Thần là con heo đen. Ngày 16 tháng Giêng là ngày lễ chính.
Đình Phú Nhuận được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3744/QĐ-VHTT ngày 29 tháng 01 năm 1997.
(Trích trong quyển "Hành trình di sản văn hóa TP.HCM - NXB Thông Tấn - Tháng 7 năm 2011)
156