Cửa Hàng Điện Máy Huỳnh Thị Hạnh Dung
0 VND
Nông dân Bình Chánh bây giờ thích mua sắm hàng Việt
Hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động, Hội Nông dân huyện Bình Chánh-TPHCM đã tổ chức vận động hội viên, nông dân trên địa bàn huyện ưu tiên mua sắm các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Hội Nông dân huyện còn phối hợp Hội Nông dân TPHCM, Liệp hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, Công ty Kỹ nghệ súc sản TPHCM (Vissan)…tổ chức đối thoại trực tiếp với hội viên, nông dân các xã-thị trấn tìm những giải pháp đưa hàng Việt trực tiếp đến nông dân.
Đặc biệt, tại các cuộc hội thảo chuyên đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều hội viên, nông dân huyện bày tỏ cảm tưởng vẫn thích mua hàng Việt, do hàng Việt có mẫu mã đẹp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Một số hội viên, nông dân có điều kiện còn muốn làm đại lý cho các doanh nghiệp để giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa trung tâm huyện.
Hàng Việt được trưng bày trước cổng chợ Hưng Long
Qui Đức là một trong những xã nghèo của huyện được chọn xây dựng xây nông thôn mới. Toàn xã có 628 hộ nông dân với hơn 1.280 hội viên. Nguồn thu nhập chính của nông dân trong xã chủ yếu dựa vào cây lúa, cây rau, hoa kiểng, chăn nuôi gia súc…có thu nhập từ 16-70 triệu đồng/hộ mỗi năm. Với mức thu nhập như vậy nên nông dân thường mua sắm các mặt hàng Việt để tiêu dùng vừa với túi tiền của mình. Anh Huỳnh Văn Kim Trọng ở ấp 4 sống bằng nghề nuôi cá thịt, thu nhập trên 40 triệu đồng/năm, anh cho biết: “Ngoài việc mua sắm các sản phẩm tiêu dùng thương hiệu Việt, tôi còn mua lưới kéo, lưới rào…đều là hàng trong nước sản xuất, chất lượng không thua kém gì hàng nước ngoài”.
Dọc theo đường Vườn Thơm thuộc ấp 3, ấp 4, đường Trương Văn Đa (nối dài) thuộc ấp 1, ấp 2, xã Bình Lợi hiện có nhiều cửa hàng tạp hóa trưng bày các mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam với nhiều mẫu mã đẹp, giá cả vừa với túi tiền của nông dân. Anh Lê Văn Bé, ngụ ở ấp 2, chuyên trồng mía, hoa phong lan cắt cành, thu nhập trên 70 triệu đồng/năm, cho biết: “Gia đình tôi thường hay mua sắm hàng Việt để tiêu dùng, vì có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cũng được đảm bảo”.
Mặt tiền chợ Hưng Long trưng bày nhiều sản phẩm Việt khá bắt mắt. Chị Trần Thị Thanh Diệu, một tiểu thương ngụ ở ấp 5, xã Hưng Long bộc bạch: “Nhiều năm nay, gia đình tôi có con cá hay cọng rau đều đem ra chợ bán, sau đó tôi thường đến quầy bán hàng Việt mua sắm. Bởi giá thường rẻ hơn so với hàng của nước ngoài, chất lượng cũng được yên tâm hơn”.
Theo Hội Nông dân huyện, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 8.190 hộ nông dân với hơn 16.390 người lao động. Thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông dân đã phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Hàng năm có hơn 6.110 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, có thu nhập từ 50-400 triệu đồng. Trong việc mua sắm vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi, trồng trọt…, nông dân thường tìm các sản phẩm mang thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan-Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết, việc khuyến khích nông dân sử dụng hàng Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tác động lớn đến nền kinh tế của đất nước. Tuy vậy, để hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần đổi mới phương thức mua bán giúp nông dân ở các xã xa trung tâm huyện được tiếp cận được hàng Việt được nhiều hơn.
Bài ảnh: THANH TÂM
193