Cửa Hàng Điện Máy Hải Bằng
0 VND
Ban an ninh quận Củ Chi và những chiến công
Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, lực lượng an ninh Quận Củ Chi ngày ấy (tiền thân của lực lượng Công an huyện Củ Chi bây giờ) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều chiến công xuất sắc, góp phần thắng lợi trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong không khí những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm gặp đồng chí Lê Minh Sum, nguyên là cán bộ Công an huyện Củ Chi, người đã tham gia vào Ban an ninh quận Củ Chi và tham gia viết sơ thảo về Lịch sử truyền thống Ban an ninh quận Củ Chi để tìm hiểu rõ hơn về quá trình hình thành, những chiến công đóng góp vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống giặc Mỹ xâm lược trên vùng Đất thép Củ Chi. Qua tham khảo, nghiên cứu nhiều tài liệu lịch sử liên quan, đđồng chí Sum cho biết, sau thắng lợi của cuộc Đồng Khởi năm 1960, đã mở ra một phong trào đấu tranh cách mạng trên toàn miền Nam, đồng thời đánh dấu một bước phá sản của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, đẩy chính quyền Ngô Đình Diệm bước vào cuộc khủng hoảng triền miên. Là một bộ phận của Công an quận Hóc Môn, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, Ban an ninh quận Củ Chi được chính thức thành lập vào đầu năm 1961, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy Củ Chi, Ban lãnh đạo An ninh Khu Sài Gòn – Gia Định (T4). Lúc mới thành lập, chưa có ban, đội; chưa có cán bộ chuyên trách phụ trách an ninh, chỉ có 07 đồng chí. Nhiệm vụ của Ban an ninh lúc bấy giờ là luồn sâu vào các ấp chiến lược, kết hợp với lực lượng nòng cốt điều tra, phân loại các đối tượng tề ngụy, ác ôn có biện pháp xử lý thích hợp. Đối với những tên ác ôn chưa cần trừng trị thì khống chế, gài lại để phục vụ cho kế hoạch phá ấp chiến lược hoặc tiến hành cảm hóa, giáo dục tham gia cùng nhân dân phá ấp chiến lược. Trước tình hình địch ra sức gom dân lập ấp, đánh phá phong trào cách mạng, An ninh Củ Chi đã triển khai đội vũ trang, đẩy mạnh hoạt động diệt ác, phá kềm, hướng dẫn quần chúng đấu tranh với địch. Ngoài ra, nhiệm vụ cơ bản và đặc biệt của lực lượng an ninh là phải bảo vệ cán bộ lãnh đạo, không cho địch sát hại mà cũng không cho chúng đánh bật ra khỏi ấp, xã. Cán bộ phải thực hiện 03 bám: Bám dân để lãnh đạo nhân dân đấu tranh; bám đất, bám làng để lực lượng an ninh phối hợp bộ đội địa phương, dân quan du kích hỗ trợ cho nhân dân trở về vườn, đất cũ và diệt ác, phá kềm, lập vành đai bao vây các đồn bốt; bám địch mà diệt, không cho chùng yên ổn, không cho chúng tự do hoạt động.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cách mạng, sự cần thiết phải có bộ máy tổ chức an ninh để làm tham mưu cho Đảng và làm nòng cốt phong trào quần chúng đấu tranh, đánh bại âm mưu và các thủ đoạn hoạt động tình báo gián điệp của Mỹ - Ngụy; để bảo vệ vùng căn cứ giải phóng, bảo vệ lực lượng cách mạng và phong trào đấu tranh của quần chúng, Ban an ninh Củ Chi đã từng bước xây dựng được hệ thống an ninh xã, ấp ở vùng giải phóng; hướng dẫn quần chúng nổi dậy diệt ác, dùng vũ khí thô sơ hạ uy thế địch, bảo vệ an toàn căn cứ và xây dựng cơ sở quần chúng, nắm tình hình địch. Lúc này, Ban an ninh sử dụng thế đấu tranh hợp pháp và bán hợp pháp. Lực lượng an ninh vũ trang và an ninh mật đã tổ chức được nhiều cơ sở quần chúng tốt. Có người đã ngoài 60 tuổi, nhiều em chỉ trên 10 tuổi nhưng tất cả đều nhiệt tình, khéo léo, biết hòa mình vào nhân dân, vượt mọi khó khăn, hy sinh để làm tròn nhiệm vụ cách mạng.
Tháng 7/1962 Khu ủy triển khai Hội nghị chuyên đề về chống phá ấp chiến lược. Sau khi Quận ủy Củ Chi đề ra chủ trương phá ấp chiến lược, Ban an ninh Củ Chi thành lập từ 01 tiểu đội lên 02 tiểu đội vũ trang, với nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang của Quận diệt ác, phá kiềm sâu vào ấp chiến lược, nhất là ở các xã Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Phước Hiệp, Trung Lập Thượng… Ngoài việc hỗ trợ nhân dân tiếp tục phá ấp chiến lược, lực lượng an ninh Củ Chi còn nhanh chóng rà soát, bổ sung, củng cố lại các cơ sở nội tuyến để nắm tin tức, âm mưu càn quét của địch. Đồng thời, tập trung xây dựng an ninh các xã về tổ chức và về lề lối làm việc, tăng cường bồi dưỡng cán bộ an ninh về chính trị và nghiệp vụ, tăng cường diệt ác, trừ gian. Ban an ninh Củ Chi vừa củng cố tổ chức, vừa bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ chiến sĩ, đồng thời vẫn thường xuyên tiến hành công tác của ngành.
Đến năm 1965, Ban an ninh Củ Chi đã phát triển lên 46 đồng chí, các ban chuyên môn được thành lập gần đầy đủ, các xã đều có bộ máy an ninh. Lực lượng an ninh phối hợp bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân phá lỏng, phá rã hàng chục ấp chiến lược, giải phóng hàng nghìn đồng bào khỏi ách kềm kẹp của địch. Đến năm 1968, lực lượng an ninh được củng cố và phát triển cao nhất về quân số với trên 120 đồng chí. Bộ máy tổ chức cũng được hoàn chỉnh và hoạt động thường xuyên cho đến 30/4/1975, gồm: B1 là văn phòng Ban an ninh quận, B2 là Bảo vệ chính trị, B3 là Điệp báo, B4 là Trạm giam giữ, B5 là Trinh sát vũ trang. Với một lực lượng trang bị mạnh, Ban an ninh Củ Chi đã góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ (1968-1975). Tiêu biểu, vào ngày 20/10/1966 lực lượng an ninh cùng với đơn vị bạn và dân du kích ấp Bốn Phú, xã Trung An đã đánh gãy một cuộc đổ bộ bao vây của 03 tiểu đoàn Mỹ, diệt tại chỗ 300 tên, làm bị thương trên 100 tên, tiêu hủy 24 máy bay, làm 10 chiếc khác hư hỏng nặng, tịch thu hàng trăm khẩu súng các loại và nhiều đạn, quân trang, quân dụng. Với thế trận đã có, lực lượng an ninh liên tục tấn công vào bộ máy kềm kẹp của địch, nhất là bọn tay chân hoạt động bí mật, vạch ra kế hoạch bám sát những tên ác ôn cốt cán, nguy hiểm. Lực lượng an ninh Củ Chi cùng lực lượng an ninh các xã đã chuyển sang thế áp sát địch, không ngừng mở rộng địa bàn, mở rộng vùng hậu cứ và tại hầu hết các xã. Chỉ trong năm 1974, quân và dân Củ Chi đã diệt tề 62 vụ, trừng trị 05 sĩ quan cấp úy, 01 thượng sĩ, 01 trung sĩ, cô lập phòng vệ xung kích.
Dù đã qua 39 năm, nhưng trong tâm trí của đồng chí Sum, của những cán bộ, chiến sĩ an ninh và của toàn dân và quân Củ Chi vẫn nhớ như in khoảnh khắc thiêng liêng của chiến thắng lịch sử, giải phóng Củ Chi ngày 29/4/1975. Đồng chí Sum nhớ lại, sáng ngày 29/4/1975, trong khi bộ đội chủ lực đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, quần chúng ở các xã Tân An Hội, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Trung Lập Thượng, Phước Hiệp… được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương, đã nổi dậy chiếm các trụ sở của địch, truy lùng ác ôn, giải tán phòng vệ dân sự. Lực lượng an ninh Củ Chi cũng được tổ chức thành 02 mũi. Một mũi do đồng chí Lê Minh Phương (Tư Phương) và đồng chí Trương Văn Thén (Năm Tê) chịu trách nhiệm đánh chiếm Chi cảnh sát Củ Chi. Lực lượng an ninh cùng với lực lượng tại chỗ và đồng bào thị trấn, nhân dân các xã xung quanh thị trấn vào chiếm Chi cảnh sát và Dinh Quận Củ Chi. Ban an ninh còn chỉ đạo tiếp tục truy kích dịch đến tận ấp Mũi Lớn, xã Tân An Hội, bắt sống 200 tù binh. Mũi thứ 02 được phân chiếm Chi cảnh sát Phú Hòa. Cánh này do đồng chí Nguyễn Trung Hiến (Tư Hiến) chỉ huy. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã phất phới bay trên nóc Chi cảnh sát Phú Hòa của ngụy.
Trong thắng lợi của quân dân Củ Chi có sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng an ninh Củ Chi. Trong 14 năm (1961-1975) hoạt động, với tinh thần trách nhiệm cao, sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, cơ quan mật, lực lượng an ninh Củ Chi vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng ngày càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng giao phó. Tuy nhiên, sự mất mát, hy sinh của lực lượng an ninh cũng không hề nhỏ. Trong suốt những năm chiến đấu, đã có 163 đồng chi anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Với những đóng góp quan trọng, to lớn ấy, Ban an ninh quận Củ Chi đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công hạng 02, 03 đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại và những danh hiệu cao quý khác.
Đặng Thảo
151