Cửa Hàng Điện Gia Dụng 164
0 VND
Ngày Quốc tế Lao động, ngày truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân
Đầu thế kỷ thứ 19, nền đại công nghiệp ở Mỹ phát triển thay thế công trường thủ công, tầng lớp tư sản công nghiệp ra đời. Thành thị trở nên đông đúc, thu hút nông dân và thợ thủ công hình thành nên giai cấp vô sản công nghiệp.
Giai cấp vô sản tăng lên nhanh chóng, tập trung phần lớn tại các công xưởng. Họ bị các chủ xưởng bóc lột nặng nề, làm việc từ 14 đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày, cuộc sống thật cơ cực. Chính vì vậy, lao động và công nhân Mỹ đã vùng dậy đấu tranh vào ngày 01/5/1886 với khẩu hiệu: “8 giờ làm việc – 8 giờ học tập – 8 giờ nghỉ ngơi”. Cuộc đấu tranh bị đàn áp hết sức dã man, đã có hàng trăm công nhân chết và bị thương...
Ngày 14/7/1889, Quốc tế Cộng sản II được thành lập tại Paris, thủ đô nước Pháp do Ăngghen lãnh đạo. Tại Đại hội lần thứ nhất, Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 01/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 01/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân toàn thế giới.
Năm 1920, được sự phê chuẩn của lãnh tụ LêNin, Liên Xô (trước đây) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm việc vào ngày Quốc tế Lao động 01/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
Ở nước ta, kỷ niệm ngày 01/5 gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Tuy ra đời muộn, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam sớm có tinh thần cách mạng triệt để, tính tổ chức kỷ luật cao, đoàn kết thống nhất. Ngay từ khi chưa có Đảng, công nhân, lao động (CNLĐ) đã tự đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do, chống lại những hành động áp bức bóc lột của bọn tư bản thực dân thống trị.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào công nhân nước ta. Ngày 01/5/1930, Đảng lãnh đạo kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Trong ngày này, CNLĐ Hà Nội, Vinh, các nhà máy Trường Thi, Bến Thủy đấu tranh đòi tăng lương, chống đánh đập công nhân; ở Hòn Gai (Quảng Ninh) nơi tập trung đông đảo công nhân mỏ, lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm được cắm trên đỉnh núi gần công trường khai thác mỏ gây tiếng vang lớn làm hoang mang kẻ thù.
Tại Quận 4, cũng thời gian này, CNLĐ Khánh Hội dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có những hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Tiêu biểu như công nhân ở các hãng Faci, Bến cảng Sài Gòn tổ chức bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, yêu cầu không được đánh đập và đuổi công nhân một cách vô cớ ... Cuộc đấu tranh đã buộc giới chủ phải nhượng bộ chấp nhận một số yêu sách của công nhân.
Đáng ghi nhớ nhất là cuộc míttinh, biểu tình lịch sử ngày 01/5/1966 của 40.000 CNLĐ xuất phát từ Ngã Bảy Sài Gòn hướng về tòa đại sứ Mỹ, bất chấp súng đạn của kẻ thù, đòi chấm dứt chiến tranh, Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam, đòi dân sinh dân chủ và thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy, Công đoàn Quận 4 đi vào vận động CNLĐ an tâm lao động sản xuất, công tác, xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS). Hiện nay LĐLĐ quận đang quản lý trực tiếp 313 CĐCS với 9.158 đoàn viên (trong đó có 264 CĐCS tại các Doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, với 5.685 đoàn viên).
39 năm qua, lực lượng CNVC – LĐ Quận 4 đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động sáng tạo, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, có nhiều đóng góp trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH, giữ gìn ANTT trên địa bàn, góp phần xây dựng Quận ngày càng ổn định và phát triển. Mỗi năm có hàng trăm đoàn viên công đoàn ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng, hàng trăm “Chiến sĩ thi đua”, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được khen thưởng cấp Nhà nước.
Công nhân, viên chức và người lao động Quận 4 tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, truyền thống “Quận 4 đất Cảng tự hào”, đẩy mạnh việc“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”; thực hiện tốt Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, thi đua học tập, công tác góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH của quận. Trước mắt, triển khai thực hiện có hiệu quả“Tháng công nhân” lần thứ 6 – năm 2014 với những hoạt động sôi nổi, thiết thực như các chương trình: “Gặp gỡ đối thoại”, “Giờ thứ 9” với Hội thi tiếng hát CNVC-LĐ, “Đồng hành cùng doanh nghiệp”,“Cùng công nhân vượt khó”; triển khai tổ chức thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2014).
NGUYỄN THANH THẮNG (Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 4)
167