Công Ty Xây Lắp Điện Nước Thái Sơn
0 VND
Trong kháng nghị, VKS cho rằng Phó Công an TP Tuy Hòa Lê Đức Hoàn có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 29-4, ông Nguyễn Hữu Phúc, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên, đã ký quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa xử vụ năm công an ở Phú Yên đánh chết anh Ngô Thanh Kiều.
Bản kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa đã áp dụng Điều 298 BLHS để xét xử năm bị cáo công an tội dùng nhục hình là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi anh Ngô Thanh Kiều, các bị cáo trên tuy không có mặt cùng lúc nhưng biết các bị cáo khác đánh Ngô Thanh Kiều mà không có ý kiến gì. VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng có cơ sở kết luận các bị cáo biết việc dùng nhục hình và đã tiếp nhận ý chí của nhau. Do đó các bị cáo phải chịu chung hậu quả gây đa chấn thương phần mềm và việc gây ra cái chết đối với anh Kiều.
Hành vi của các bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy đã phạm tội dùng nhục hình thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 298 BLHS (có mức án cao nhất 12 năm tù). Bản án sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 1 Điều 298 BLHS để xử phạt bốn bị cáo trên là không đúng quy định của pháp luật và không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo gây ra. (Riêng bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành án sơ thẩm đã xử khoản 3 của điều luật nói trên - PV).
VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng cả năm bị cáo công an phải chịu chung hậu quả đối với cái chết của anh Ngô Thanh Kiều. Ảnh: TẤN LỘC
Đối với ông Lê Đức Hoàn - Phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa, bản kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Yên nhận định: Là trưởng ban chuyên án, ông Hoàn đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của ông có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 BLHS nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ những nhận định trên, VKSND tỉnh Phú Yên đề nghị TAND tỉnh này xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, do nghi ngờ anh Kiều liên quan đến một vụ trộm, lúc 3 giờ khuya 13-5-2012, Công an TP Tuy Hòa phối hợp với Công an huyện Tây Hòa, Công an xã Hòa Đồng đã đến nhà còng tay, bắt anh đưa về trụ sở Công an TP Tuy Hòa. Trong quá trình lấy lời khai, các cán bộ công an thay phiên nhau đánh đập anh Kiều đến chết. Kết luận giám định pháp y cho thấy trên thi thể anh Kiều có 72 vết thương, anh tử vong do chấn thương sọ não.
Tại phiên tòa diễn ra từ ngày 26-3 đến 3-4, TAND TP Tuy Hòa đã áp dụng khoản 3 Điều 298 BLHS phạt Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy Công an TP Tuy Hòa) năm năm tù; áp dụng khoản 1 Điều 298 BLHS phạt Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Yên) hai năm tù, Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy Công an TP Tuy Hòa) 18 tháng tù, Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá Công an TP Tuy Hòa) 15 tháng tù treo, Đỗ Như Huy (nguyên trung úy Công an TP Tuy Hòa) 12 tháng tù treo.
Sau khi báo chí phản ánh, dư luận bày tỏ bất bình vì cho rằng xử các bị cáo tội dùng nhục hình là không đúng luật, mức án đối với các bị cáo quá nhẹ, Chủ tịch nước đã yêu cầu viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao chỉ đạo xử lý vụ án đúng quy định pháp luật. Ngày 14-4, Viện phó VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cùng Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Lê Bá Thân đã trực tiếp đến Phú Yên làm việc xung quanh việc xét xử vụ án trên.
Ngoài ra, gia đình bị hại cũng đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án; bị cáo Thành kháng cáo kêu oan cho rằng mình không đánh anh Kiều và đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ hành vi của những người đã đánh chết anh Kiều nhưng không nhận tội.
TẤN LỘC
242